Trung Quốc gây khó khăn cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng lãnh thổ của Việt Nam


Ông Trần Công Trục

Liên tục trong những ngày qua, Trung Quốc gây khó khăn cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng lãnh thổ của Việt Nam, thậm chí họ còn bắn đuổi ngư dân của nước ta trên cùng lãnh hải của ta. Sự kiện đó “nói” lên ý đồ gì của Trung Quốc với vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam?

Luật sư Trần Công Trục: Trong những ngày qua, ngư dân ở những vùng biển thuộc Cù Lao Ré, Quảng Nam, Bình Định... liên tục bị tàu cá của Trung Quốc quấy nhiễu, thậm chí còn bắn đuổi, dù ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt cá hợp pháp trong vùng lãnh hải của chúng ta. Việc Trung Quốc ra lệnh cấm bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng lãnh hải Việt Nam không phải diễn ra lần đầu. Đã từ nhiều năm nay, Trung Quốc đều có lệnh như vậy. Sau mỗi lần ra lệnh như vậy, họ đã tiến hành các biện pháp vây bắt, gây cản trở, uy hiếp phá hoại tàu thuyền phương tiện đánh cá của ngư dân, thậm chí nổ súng vào tàu thuyền đó để đe dọa ngư dân của chúng ta. Sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng vì những lần trước những sự việc tương tự chỉ xảy ra ở phía trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng mấy ngày vừa qua, Trung Quốc đã bắn đuổi tàu đánh cá của ngư dân xuống khu vực phía Nam sát tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khác những lần trước, họ không bắt ngư dân của ta nhưng tịch thu hải sản, thu giữ phương tiện hành nghề của ngư dân và đẩy người dân lênh đênh trên biển mà không có bất kì phương tiện nào để hành nghề cũng như khó có thể trở về đất liền an toàn.

Trung Quốc làm như vậy nhằm vào 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất họ cố chứng minh chủ quyền (bất hợp pháp) của họ trên biển theo danh giới “đường lưỡi bò phi lý” mà họ tự dựng lên. Việc họ đơn phương làm như vậy trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là sai với luật pháp quốc tế, nhưng nếu ngư dân của Việt Nam vô ý kí vào giấy phạt của họ, Trung Quốc sẽ vin vào cớ đó làm căn cứ pháp lý để thực hiện ý đồ đen tối của họ. Thứ 2, việc Trung Quốc bắn đuổi tàu cá của ngư dân là có toan tính. Nếu xét khía cạnh dân sinh, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm vào thời điểm đang vào vụ cá mà người dân miền Trung, mà người dân nghèo, chỉ trông chờ vào vụ cá lớn nhất trong năm đã thể hiện hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc. Như vậy họ đã triệt phá con đường sống của người dân. Tại sao tôi nói hành vi của Trung Quốc là vô nhân đạo vì, theo luật pháp quốc tế, ở vùng đặc quyền kinh tế, có thể vùng đặc quyền kinh tế riêng của các nước ven biển cũng cần lưu ý hoạt động đánh cá của ngư dân. Và khi có bất kì sự thay đổi nào cũng phải chú ý đến hoạt động truyền thống của ngư dân tại vùng biển này. Năm 2000 khi chúng ta kí kết Hiệp định hoạch định danh giới vùng biển trong vịnh Bắc Bộ, dù đã xác định rõ ràng lãnh hải rồi, nhưng vì chiếu cố truyền thống đánh bắt cá của các ngư dân Trung Quốc cho nên Việt Nam đã đồng ý có giải pháp tạo vùng đánh bắt chung, vùng đánh bắt tạm thời trước khi có chuyển giao để người dân có thời gian chuyển đổi nghề nghiệp. Đó là xét về khía cạnh nhân đạo, chưa nói chuyện đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chúng ta thường nói bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ chủ quyền, vậy trước sự việc này, chúng ta cần là gì để bảo vệ ngư dân, thưa ông?

Ngư dân gặp rất nhiều trở ngại, nhưng vẫn kiên trì bám biển. Theo tôi, đánh bắt cá ở vùng còn nhiều tranh chấp ngoài nhu cầu mưu sinh có thể khẳng định ngư dân của chúng ta là những chiến sĩ đại diện dân tộc Việt Nam hiện diện trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân vẫn bám biển dù bị nước khác đe dọa, đấy cũng là một đóng góp rất lớn của người dân với đất nước. Chính hành động của họ chứng tỏ Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền trên thực tế không thể tranh cãi được. Có thể nói, những ngư dân của chúng ta đang kế tiếp truyền thống của những người lính Hoàng Sa do chúa Nguyễn thuộc chính quyền phong kiến Việt Nam tiếp tục quản lý, khai thác tài nguyên thuộc khu vực này. Chỉ riêng ý nghĩa đó thôi cũng khiến chúng ta phải trân trọng và tìm cách bảo vệ họ. Làm thế nào để bảo vệ ngư dân, trước hết Nhà nước cần có giải pháp về mặt ngoại giao đó là tích cực hơn nữa trong các cuộc đàm phán giải quyết cụ thể trên Biển Đông. Đặc biệt để bảo vệ ngư dân, phải tính toán không nên để ngư dân “đi biển một mình”, phải có phương án cần thiết hỗ trợ cho họ khi ra khơi. Điều đó có nghĩa lực lượng chức năng, bộ đội biên phòng, hải quân... có hỗ trợ cần thiết đảm bảo an toàn cho họ. Đồng thời, tự bản thân người dân nên có trang bị cần thiết về mặt kiến thức, pháp luật để đối phó với những tình huống họ gặp phải. Ngoài việc Nhà nước đã hỗ trợ xăng dầu, cho vay tín dụng... cho ngư dân chúng ta cần tính tới xây dựng một nguồn quỹ hỗ trợ khó khăn cho ngư dân. Việc này chỉ có thể làm được khi các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc đứng ra vận động thực hiện.

Với việc xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của Việt Nam như ông vừa nói, Việt Nam đã đủ chứng cứ, cơ sở pháp lí để kiện ra tòa án quốc tế hay chưa?

Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta có đầy đủ chứng cứ để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế hoặc tòa án thềm lục địa mới thành lập. Có 2 cấp độ:

Cấp độ 1: Nhà nước kiện việc phía các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, gây cản trở hoạt động bình thường chính đáng. Tôi xin nhắc lại là ta kiện về hành động vi phạm, chứ không phải kiện vùng tranh chấp. Đây không phải là vùng tranh chấp. Đừng nhầm tưởng hoặc đàm phán vùng tranh chấp để giải quyết vấn đề biên giới mà là kiện hành vi xâm phạm trắng trợn luật lệ Việt Nam, quyền chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Cấp độ 2: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chủ sở hữu con tàu, thiết bị đã bị phía Trung Quốc phá hoại tài sản có thể kiện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quay được toàn bộ hình ảnh chi tiết tàu hải giám Trung Quốc ở tọa độ nào, vị trí nào hành động ra sao... Rõ ràng ta có vị trí nơi họ vi phạm, họ phá hoại thế nào, ta có thể tính toán rất sòng phẳng về mặt kinh tế kĩ thuật để kiện họ.

0 comments:

Post a Comment